Biện pháp phát triển ngôn ngữ nói cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ 3 - 4 tuổi thông qua trò chơi



1. Tính cấp thiết của đề tài

1.1. Tự kỷ được coi là một dạng khuyết tật lan tỏa phức tạp và phải mất rất nhiều thời gian can thiệp với các liệu pháp khác nhau mới có thể làm giảm được những khó khăn mắc phải ở trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Theo phân loại trẻ có rối loạn phổ thự kỷ DSM - V [36] của Mỹ năm 2012 người ta đã chia ra có nhiều dạng tự kỷ khác nhau như: Rối loạn tự kỷ (Autistic Disorder AD) Rối loạn Asperger (Asperger Disorder/syndrome); Rối loạn Rett (Rett Disorder/syndrome); Rối loạn bất hoà nhập tuổi ấu thơ (Chilhood Disintegrative Disorder - CDD); Rối loạn phát triển diện rộng không xác định (Pervasive Developmental Disorders - Not Otherwise Specified - PDD-NOS). Bên cạnh đó người ta còn có cách phân chia về tự kỷ theo chỉ số IQ... Cho đến nay, các nhà nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới tiếp tục công bố những nghiên cứu và chỉ ra biểu hiện mới ở trẻ tự kỷ. 

Ở Việt Nam, nhiều bác sỹ, các nhà tâm lý học, giáo dục học đã đưa những bộ công cụ của nước ngoài vào Việt Nam và thích ứng các công cụ này để can thiệp và hỗ trợ cho trẻ em, nhiều trẻ em ở các trung tâm giáo dục của các bệnh viện đã đạt được những hiệu quả đáng rất đáng ghi nhận. 

1.2. Trong thời gian qua, theo thống kê số liệu trẻ có rối loạn phổ tự kỷkhông ngừng gia tăng. Thời gian đầu, những nghiên cứu đã chỉ ra số lượng trẻ có rối loạn phổ tự kỷ ở thành thị cao hơn so với địa bàn nông thôn, ngoài ra con của những gia đình có địa vị xã hội có biểu hiện tự kỷ cũng cao hơn con của các gia đình ở nông thôn (Kanner, 1943) [54]. Kết quả này sau đó không lâu đã bị bác bỏ, người ta thấy trẻ ở các gia đình bất kể tầng lớp nào trong xã hội, mọi thành phần xuất thân sinh ra đề có nguy cơ mắc phải chứng tự kỷ là tương đương [54]. 

Theo một công bố mới đây, “trên thế giới, tỷ lệ trẻ được phát hiện và chẩn đoán tự kỷ tăng một cách đáng kể. Trước đây tỷ lệ này là một trên 1.000 thì nay ở Mỹ đã tăng lên 1/68, châu Phi là một trên 37. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 160 người thì có một người tự kỷ tại Việt Nam chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ. Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nước ta khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ. Nếu tính theo cách tính của WHO, con số này chừng 500.000” [56]. Cùng với đó, có thể thấy số lượng các cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ cũng không ngừng gia tăng tại các tỉnh thành, chứng tỏ số lượng trẻ có rối loạn phổ tự kỷ tại các tỉnh thành ở nước ta chiếm số lượng rất lớn trong tổng số trẻ được sinh ra hàng năm. 

1.3. Trước nhu cầu ngày càng tăng cao của trẻ có RLPTK và nhu cầu của gia đình trẻ, rất nhiều các cơ sở can thiệp và giáo dục trẻ có RLPTK đã ra đời. Tuy nhiên, tại rất nhiều cơ sở chưa đảm bảo các điều kiện cả về chuyên môn và cơ sở vật chất để can thiệp, hỗ trợ trẻ có rối loạn phổ tự kỷ đạt hiệu quả. Một trong những khó khăn điển hình của trẻ có rối loạn phổ tự kỷ đó là có khó khăn trong giao tiếp; đồng thời kỹ năng giao tiếp lại là một trong những kỹ năng nền tảng làm cơ sở cho trẻ em nói chung trẻ có rối loạn phổ tự kỷ nói chung phát triển nhận thức, điều chỉnh hành vi cũng như hòa nhập xã hội. Từ những lý do trên, chúng tôi chọn vấn đề “Biện pháp phát triển ngôn ngữ nói cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ 3 - 4 tuổi thông qua trò chơi” làm đề tài nghiên cứu. 

2. Mục đích nghiên cứu Trên cơ sở nghiên cứu lý luận, thực trạng phát triển ngôn ngữ nói và giáo dục phát triển ngôn ngữ nói của trẻ có rối loạn phổ tự kỷ đề xuất các biện pháp phát triển ngôn ngữ nói cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ 3 - 4 tuổi qua trò chơi. 

3. Khách thể và đối tượng nghiên cứu 

3.1. Khách thể nghiên cứu: Giáo dục ngôn ngữ nói cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ 3 - 4 tuổi mức độ nhẹ. 

3.2. Đối tượng nghiên cứu: Tổ chức các hoạt động trò chơi phát triển ngôn ngữ nói cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ 3 - 4 tuổi. 

4. Giả thuyết khoa học 

Trẻ em 3 - 4 tuổi đã có vốn từ vựng khá phong phú và việc sử dụng vốn từ trong hoạt động giao tiếp một cách khá thành thục và lưu loát, trong khi đó trẻ có rối loạn phổ tự kỷ có vốn từ ít hơn đáng kể, đồng thời sử dụng vốn từ trong giao tiếp rất khó khăn và không phù hợp bối cảnh giao tiếp, vì vậy, đề xuất được các biện pháp tổ chức trò chơi phát triển ngôn ngữ nói phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ngôn ngữ nói và kỹ năng giao tiếp cho 3 - 4 tuổi làm cơ sở cho trẻ phát triển, hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, tiếp tục học tập ở các cấp học cao hơn và hòa nhập xã hội.

5. Nhiệm vụ nghiên cứu

5.1. Nghiên cứu cơ sở lý luận về trẻ có rối loạn phổ tự kỷ và phát triển ngôn ngữ nói cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ 3 - 4 tuổi. 

5.2. Thực trạng ngôn ngữ nói và phát triển ngôn ngữ nói cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ 3 - 4 tuổi. 

5.3. Đề xuất các biện pháp phát triển ngôn ngữ nói cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ và thực nghiệm các biện pháp phát triển ngôn ngữ nói cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ 3 - 4 tuổi.

Link tải file đầy đủ: TẢI XUỐNG

Mới hơn Cũ hơn