1. Lý do chọn đề tài
Ngôn ngữ nói đặc biệt quan trọng đối với trẻ trong việc tạo các mối quan hệ xã hội và kiểm soát hành vi của bản thân. Song vốn từ là một trong những thành tố quan trọng, là chất liệu cơ bản của ngôn ngữ. Đối với trẻ mẫu giáo 3 – 4 tuổi, lĩnh hội vốn từ là điều kiện quan trọng để giúp trẻ dễ dàng giao tiếp với những người xung quanh, đồng thời giải quyết nhiệm vụ tích lũy và chính xác hóa biểu tượng, hình thành khái niệm, phát triển trí tuệ. Đặc điểm nổi bật của trẻ mẫu giáo là khả năng nắm bắt nghĩa của từ gắn liền với sự phát triển nhận thức tư duy. Đó là quá trình phát triển liên tục, lâu dài cùng với các hoạt động giao tiếp. Do đó, phát triển ngôn ngữ cho trẻ không chỉ giúp cho tư duy của trẻ phát triển mà còn là phương tiện để giáo dục trẻ một cách toàn diện về nhân cách - đạo đức. Tác giả Đinh Hồng Thái cũng đã khẳng định: “Học tiếng mẹ đẻ là sự học tập quan trọng nhất, cần thiết nhất, bắt đầu sớm nhất và cần được quan tâm nhất” [27].
Vấn đề phát triển vốn từ cho trẻ như thế nào cho hiệu quả bền vững là nhiệm vụ hàng đầu của giáo viên mầm non. Dạy trẻ một cách cứng nhắc, ồ ạt là một phương pháp giáo dục không phù hợp đối với trẻ mẫu giáo, trẻ không tiếp thu vì trẻ vừa học vừa chơi. Dó đó, đề tài nghiên cứu về việc phát triển vốn từ cho trẻ, tìm ra biện pháp hiệu quả đề trẻ nhớ lâu, bền vững thông qua nguồn ngữ điệu đồng dao hoàn toàn phù hợp với trẻ mẫu giáo.
Ở trường mầm non hiện nay, việc giáo dục ngôn ngữ nói chung và phát triển vốn từ cho trẻ mẫu giáo nói riêng rất được quan tâm thông qua các hoạt động với nhiều phương tiện khác nhau. Việc sử dụng đồng dao trong các hoạt động vui chơi của trẻ ở trường mầm non vẫn được tổ chức thường xuyên. Tuy nhiên, việc tận dụng kho tàng đồng dao như một phương tiện nhằm cung cấp vốn từ cho trẻ mẫu giáo trong hoạt động giáo dục ngôn ngữ vẫn chưa được các giáo viên thực hiện một cách có hiệu quả.
Với những lý do nêu trên, đề tài: “Biện pháp phát triển vốn từ cho trẻ mẫu giáo 3 – 4 tuổi thông qua đồng dao” được lựa chọn nghiên cứu nhằm xây dựng các biện pháp phát triển vốn từ cho trẻ mẫu giáo một cách hiệu quả và bền vững thông qua kho tàng đồng dao Việt Nam.
2. Mục đích nghiên cứu
Hệ thống hóa những vấn đề lý luận, hình thành khung lý luận của đề tài; khảo sát tìm hiểu thực trạng sử dụng đồng dao nhằm phát triển vốn từ cho trẻ MG 3-4 tuổi ở trường MN, từ đó đề xuất các biện pháp khắc phục những bất cập của thực trạng, nâng cao hiệu quả phát triển vốn từ cho trẻ MG 3-4 tuổi thông qua đồng dao.
3. Khách thể và đối tượng nghiên cứu
3.1. Khách thể nghiên cứu
Quá trình giáo dục nhằm phát triển vốn từ cho trẻ mẫu giáo 3 – 4 tuổi.
3.2. Đối tượng nghiên cứu
Biện pháp phát triển vốn từ cho trẻ mẫu giáo 3 – 4 tuổi thông qua đồng dao.
4. Giả thuyết khoa học
Phát triển vốn từ là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển ngôn ngữ cho trẻ MN nói chung và trẻ MG 3-4 tuổi. Đồng dao là thể loại gần gũi với trẻ thơ, đã được sử dụng khá phổ biến ở trường MN, song việc sử dụng đồng dao như một phương tiện phát triển vốn từ cho trẻ vẫn chưa được quan tâm thích đáng, việc sử dụng đồng dao chưa hỗ trợ nhiều cho nhiệm vụ phát triển vốn từ cho trẻ. Nếu xây dựng được hệ thống cơ sở lý luận khoa học, tin cậy; tìm hiểu, đánh giá đúng thực trạng sử dụng đồng dao nhằm phát triển vốn từ cho trẻ MG 3-4 ở trường MN, sẽ xây dựng được các biện pháp phù hợp, giúp giáo viên MN dễ dàng sử dụng đồng dao trong việc phát triển vốn từ cho trẻ.
5. Nhiệm vụ nghiên cứu
5.1. Nghiên cứu, hệ thống hóa những vấn đề làm cơ sở lý luận cho đề tài
5.2. Khảo sát, đánh giá thực trạng việc sử dụng đồng dao nhằm phát triển vốn từ cho trẻ MG 3 – 4 tuổi ở một số trường mầm non trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
5.3. Đề xuất một số biện pháp phát triển vốn từ cho trẻ MG 3 – 4 tuổi thông qua đồng dao; tổ chức khảo sát, thử nghiệm nhằm bước đầu đánh giá hiệu quả của các biện pháp đề xuất.
6. Phạm vi nghiên cứu
Đề tài được thực hiện tại một số trường mầm non ở Thành phố Hồ Chí Minh thuộc khu vực: nội thành, ngoại thành và ven thành phố.
7. Phương pháp nghiên cứu
7.1. Phương pháp nghiên cứu lí luận
Thu thập tài liệu, nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, khái quát hóa, hệ thống hóa những nguồn tài liệu có liên quan đến đề tài nghiên cứu nhằm xây dựng khung lý luận của đề tài nghiên cứu.
7.2. Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn
7.2.1. Phương pháp quan sát
Quan sát công tác phát triển vốn từ cho trẻ mẫu giáo 3 – 4 tuổi và thực trạng sử dụng đồng dao trong việc giáo dục ngôn ngữ cho trẻ tại một số trường mầm non thành phố Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ cho quá trình thực nghiệm.
7.2.2. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi
Sử dụng phiếu hỏi thu thập ý kiến của giáo viên mầm non trực tiếp dạy trẻ 3 – 4 tuổi nhằm tìm hiểu về thực trạng phát triển vốn từ của trẻ 3 – 4 tuổi ; thực trạng giáo viên mầm non sử dụng đồng dao nhằm phát triển vốn từ cho trẻ 3 -4 tuổi.
7.2.3. Phương pháp thực nghiệm sư phạm
Nhằm kiểm nghiệm một số biện pháp phát triển vốn từ cho trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi thông qua đồng dao và đánh giá hiệu quả của những biện pháp đó.
7.2.4. Phương pháp thống kê toán học
Xử lý các số liệu thu thập được trong điều tra bằng phương pháp thống kê toán học.
8. Những đóng góp của đề tài
- Hệ thống cơ sở lý luận về việc phát triển vốn từ cho trẻ mẫu giáo 3 – 4 tuổi thông qua đồng dao.
- Xây dựng một số biện pháp phát triển vốn từ cho trẻ mẫu giáo 3 – 4 tuổi thông qua đồng dao.
-
Bộ sưu tập các bài đồng dao và
mục đích sử dụng; bộ câu hỏi sử dụng đồng dao nhằm phát triển vốn từ cho trẻ và bộ trò chơi –
đồng dao nhằm phát triển vốn từ cho trẻ MG 3-4 tuổi.
...
Link tải file word đầy đủ: TẢI XUỐNG