Trong trường tiểu học Việt Nam hiện nay có một bộ phận học sinh (HS) học tập không hiệu quả. Việc học tập không hiệu quả do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là khó khăn học tập đặc thù (KTHT). Học sinh KTHT có ranh giới không rõ ràng và thường được ám chỉ như những “khiếm khuyết tiềm ẩn”. Đôi khi giáo viên (GV), phụ huynh (PH) và các nhà chuyên môn khó nhận diện được những khiếm khuyết này. Trẻ thường bị cho là “học kém”, “lười biếng”, và một số các nguyên nhân khác. Học sinh KTHT thường phải giành thời gian nhiều hơn cho việc học tập và thường trải qua những trạng thái tâm lý: Thất vọng, giận dữ, phiền muộn, lo âu và thiếu tự tin,... Khó khăn về viết (KKVV) là một dạng KTHT, cùng với khó khăn về đọc (KKVĐ) và khó khăn về toán (KKVT)…
Trong nghiên cứu về KTHT, ta thường hay nghe nói nhiều đến KKVĐ (dyslexia) mà ít biết đến KKVV (dysgraphia). Thuật ngữ dysgraphia được giới nghiên cứu về Y học, Ngôn ngữ học, Tâm lý và Giáo dục học sử dụng khá phổ biến như một thuật ngữ bao quát cho tất cả các rối loạn thể hiện bằng văn bản: Khó khăn về tạo chữ (kỹ thuật viết), khó khăn về chính tả và khó khăn TLVB (khó khăn trong việc thể hiện ý nghĩ ở dạng viết) không liên quan đến khả năng suy giảm trí tuệ (Orton S.T, 1989 [63]; Smits-Engelsman [71]; Regina G. Richards, 1998 [64]). Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu khả thi về KKVV, từ việc nhận diện đến khái niệm, phân loại và các chiến lược can thiệp nhằm khắc phục tình trạng này.
Ở Việt Nam, nghiên cứu KKVV chưa được nhiều các nhà khoa học quan tâm. Vì thế, số lượng các nghiên cứu còn rất hạn chế. Các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào vấn đề khó khăn về tạo chữ mà cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào cho vấn đề khó khăn TLVB. Trong khi đó, TLVB là một kĩ năng rất quan trọng đối với học sinh tiểu học (HSTH). Khó khăn TLVB sẽ hạn chế khả năng giao tiếp và khả năng học tập của trẻ ngay từ bậc học tiểu học, ảnh hưởng không nhỏ đến các các cấp học trên và trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của các em. Tập làm văn (TLV) là tên một phân môn của môn Tiếng Việt, rèn kĩ năng TLVB cho HS thông qua hình thức nói và viết. Chương trình TLV lớp bốn thực hiện mục đích: 1) Trang bị kiến thức và rèn các kỹ năng TLV; 2) Mở rộng vốn sống, rèn tư duy logic, tư duy hình tượng; 3) Bồi dưỡng tâm hồn, cảm xúc, thẩm mỹ, nhân cách cho học HSTH. Về mặt nhận thức, hoạt động làm văn là tiến trình sản sinh ý tưởng, tổ chức, sắp xếp ý tưởng đó thành văn bản. HS tổng hợp nhiều kiến thức: Kiến thức từ các môn học, kiến thức từ thực tế cuộc sống, thế giới xung quanh các em. Các kỹ năng khác nhau được hình thành như: Kĩ năng tạo chữ, viết chính tả; kĩ năng sử dụng từ ngữ, viết câu thích hợp; kỹ năng liên kết đoạn, ý để xây dựng chuỗi các ý nghĩ nhằm giải quyết các vấn đề mà đề bài văn đặt ra. Ngoài ra, bài TLV còn thể hiện phẩm chất, tâm hồn và kinh nghiệm sống của HS.
Vì vậy, việc dạy học tốt phân môn TLV có ý nghĩa quan trọng đến phát triển nhận thức và tình cảm xã hội cho HS. Tuy nhiên, TLV là một trong những nội dung khó đối với học sinh KKVV. Nguyên nhân căn bản là do học sinh KKVV có những khó khăn trong việc trong việc xử lí các thông tin; Hạn chế trong việc thiết lập các ý tưởng và thể hiện các ý tưởng đó bằng văn bản. KKVV là rào cản sự tiến bộ học tập, học tiếp lên các bậc học trên và khó khăn trong giao tiếp. Ở TH, các kiến thức, kỹ năng về TLV được chia làm hai giai đoạn:
1/ Giai đoạn đầu dành cho HS các lớp một, lớp hai và lớp ba với kỹ năng dùng từ, viết câu và đoạn văn;
2/ Giai đoạn sau hoàn thiện kiến thức về TLV. HS bắt đầu biết làm một bài TLV hoàn chỉnh thông qua việc nắm được bố cục; cách mở bài, kết bài; cách sắp xếp ý; cách diễn đạt một bài văn. Nội dung kiến thức, kỹ năng này chỉ đặt ra ở các lớp bốn và lớp năm nhằm phục vụ cho việc rèn các kỹ năng cơ bản trong quá trình sản sinh VB (quá trình làm bài TLV).
Chương trình TLV lớp bốn quy định học các nội dung sau:
1/ Kết cấu ba phần của bài văn kể chuyện và miêu tả (mở bài, thân bài, kết bài), lập dàn ý cho bài văn kể chuyện, miêu tả;
2/ Đoạn văn kể chuyện, miêu tả (tả đồ vật, cây cối, con vật);
3/ Viết bài văn kể chuyện, miêu tả (tả đồ vật, cây cối, con vật);
4/ Một số văn bản nhật dụng thông thường: đơn, thư, tờ khai in sẵn, một số quy tắc giao tiếp trong trao đổi, thảo luận, đơn, thư. Đây là những nội dung quan trọng, tạo tiền đề cho HS tiếp tục học ở lớp năm và các cấp học trên.
Đề tài nghiên cứu: Dạy tập văn cho học sinh lớp bốn có khó khăn về viết học hoà nhập được tác giả lựa chọn bước đầu thử nghiệm những nghiên cứu về đánh giá, nhận diện học sinh KKVV; Tìm kiếm các chiến lược, kỹ thuật dạy học cho học sinh KKVV học hoà nhập trong trường TH ở Việt Nam. Nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng thành công dạy TLV cho học sinh KKVV học hòa nhập sẽ đóng góp thêm những cứ liệu về lý luận và thực tiễn cho những nghiên cứu về KTHT ở Việt Nam nói chung, KKVVnói riêng. Đề tài có ý nghĩa đối với cá nhân học sinh KKVV. Can thiệp, hỗ trợ kịp thời giúp các em tự tin học tập trong các lớp học hòa nhập và tự tin hơn trong cuộc sống.
...
Link xem và tải file đầy đủ: TẢI XUỐNG