Lý do chọn đề tài
Bước sang thế kỉ 21, sự phát triển của xã hội nhanh như vũ bão kèm theo đó là những biến đổi một cách liên tục và nhanh chóng về khối lượng tri thức, đặc biệt trong các lĩnh vực thông tin truyền thông, công nghệ vật liệu, điện- điện tử tự động hóa. Vì vậy, phương pháp dạy học tiếp cận nội dung dần trở nên lạc hậu. Để chuẩn bị cho thế hệ trẻ đối mặt và đứng vững trước những thách thức của thời đại thì giáo dục và đào tạo phải giữ vững vai trò quan trọng cốt lõi của mình; phát triển giáo dục phải đi trước phát triển kinh tế, phát triển chuyên sâu trên tất cả các lĩnh vực, ngành học, cấp học cũng như từng môn học cụ thể để ngành giáo dục nước nhà có hướng đi đúng đắn và toàn diện hơn. Chính vì vậy, thay đổi, sửa sang, cải tiến chương trình, thậm chí cải cách giáo dục đã được nhiều nước tiến hành, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt cần phải chú trọng giáo dục đến cấp tiểu học, bởi đây chính là lứa tuổi có sự chuyển biến từ hoạt động vừa học vừa chơi sang hoạt động học là chủ yếu, đây là giai đoạn đầu để HS lĩnh hội kiến thức, hình thành và phát triển các kĩ năng cơ bản làm nền tảng cho quá trình học tập sau này.
Từ năm học 2014-2015 đến nay, ngành Giáo dục triển khai thực hiện chương trình dạy học và giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW. Theo đó, bước chuyển căn bản được quán triệt và thực hiện là chuyển từ nền giáo dục chủ yếu cung cấp kiến thức sang chú trọng hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học. Mục tiêu phát triển giáo dục chính là “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo”. Theo đó, kết quả của việc giáo dục, đào tạo nhấn mạnh vào sự phát triển năng lực cho người học để khi tiếp xúc với bất kì vấn đề, tình huống nào trong thực tiễn thì người học đều có hướng giải quyết đúng đắn, linh hoạt. Nói đến năng lực là phải nói đến khả năng thực hiện, là phải biết và làm, chứ không chỉ biết và hiểu. Tuy nhiên, năng lực chỉ được hình thành và phát triển thông qua hoạt động tích cực của bản thân người học, qua rèn luyện và đào tạo. Vì vậy, trong quá trình dạy học người giáo viên cần chú ý đến việc phát triển năng lực cho học sinh, giúp HS phát triển toàn diện nhờ các hoạt động giáo dục của mình.
Ở tiểu học nói riêng và ở các cấp học nói chung, môn toán có vị trí hết sức quan trọng. Toán học là bộ môn khoa học tự nhiên có tính logic và chính xác cao, là chìa khóa để mở ra sự phát triển tất cả các bộ môn khoa học khác. Học toán học ở lứa tuổi này, bước đầu giúp HS có khả năng thực hiện việc phân tích tổng hợp, trừu tượng hóa, khái quát hóa, kích thích trí tưởng tượng, gây hứng thú học tập toán, phát triển hợp lí khả năng lập luận, suy luận và biết diễn đạt bằng lời; bằng cách lập luận và viết các suy luận đơn giản; góp phần rèn luyện phương pháp học tập và làm việc khoa học, linh hoạt, sáng tạo.
Trong dạy học môn toán ở tiểu học thì các các dạng bài giải toán có lời văn chiếm số lượng lớn. Để các em có thể học tập cũng như giải quyết tốt các bài toán ở dạng này thì bước đầu phải hình thành các năng lực lập luận, suy luận có căn cứ, hệ thống và lôgic. Năng lực lập luận không những giúp học sinh có kĩ năng phân tích vấn đề, tư duy logic; rèn khả năng lập luận còn giúp cho học sinh có kĩ năng ước lượng– phán đoán trong việc vận dụng những kiến thức đã học vào giải quyết các bài toán đặt ra, nâng cao khả năng diễn đạt ngôn ngữ thông qua việc trình bày lời giải một cách rõ ràng, chính xác và khoa học. Hơn nữa, việc phát triển năng lực lập luận cho học sinh tiểu học còn là bước chuẩn bị quan trọng cho việc hình thành năng lực tư duy, năng lực chứng minh sau này, tạo nền tảng vững chắc cho các bậc học tiếp theo.
Tuy nhiên, thực tế ở các trường tiểu học hiện nay, vấn đề này vẫn chưa được khai thác triệt để nhằm giúp HS phát triển năng lực lập luận. Học sinh còn thiếu nhạy bén trong việc giải quyết các bài toán giải toán có lời văn, cũng chưa sáng tạo trong cách giải quyết vấn đề. Các em thường lúng túng khi xác định các yếu tố, dữ kiện của đề bài; việc trình bày lập luận còn máy móc, chưa logic và thuyết phục;…Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy, giáo viên còn dạy học theo lối khuôn mẫu bằng cách đưa ra các bài toán mẫu rồi học sinh từ đó áp dụng giải quyết các bài toán tương tự khi chưa hiểu rõ vấn đề; sự chênh lệch về trình độ nhận thức của học sinh trong cùng một lớp dẫn đến việc giảng dạy mất nhiều thời gian; lượng thời gian lên lớp không nhiều để khai thác triệt để bài toán cũng như rèn luyện thêm khả năng lập luận giải toán ở HS;... Do vậy, làm thế nào để những giờ dạy học Toán đạt được hiệu quả, đặc biệt là bồi dưỡng và phát triển năng lực lập luận cho các em là câu hỏi đặt ra với các nhà giáo dục. Với tất cả những lí do trên, chúng tôi chọn đề tài: “Phát triển năng lực lập luận toán học trong dạy học giải toán có lời văn cho học sinh tiểu học” để tìm hiểu, nghiên cứu và mong muốn có những đóng góp tích cực giúp nâng cao hiệu quả dạy học phát triển năng lực lập luận cho học sinh tiểu học.
Mục đích nghiên cứu:
Nghiên cứu đề tài này, nhằm đề xuất một số biện pháp sư phạm hiệu quả để phát triển năng lực lập luận cho học sinh thông qua hoạt động giải toán có lời văn nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động dạy học toán ở trường tiểu học.
Câu hỏi nghiên cứu:
- Năng lực lập luận của học sinh tiểu học là gì?
- Năng lực lập luận của học sinh tiểu học được biểu hiện như thế nào?
- Làm thế nào để phát triển năng lực lập luận cho học sinh tiểu học thông qua dạy học giải toán có lời văn?
Nhiệm vụ nghiên cứu:
- Nghiên cứu cơ sở lí luận về năng lực lập luận và phát triển năng lực lập luận toán học thông qua dạy học giải toán có lời văn cho học sinh tiểu học.
- Tìm hiểu thực trạng dạy và học phát triển năng lực lập luận ở khối lớp 4, trường Tiểu học.
- Nghiên cứu các biện pháp nhằm bồi dưỡng và phát triển năng lực lập luận toán học thông qua dạy học giải toán có lời văn cho học sinh tiểu học.
- Thực nghiệm sư phạm để đánh giá tính khả thi và hiệu quả của biện pháp đề xuất.
....
Link tải file đầy đủ 104 trang: XEM VÀ TẢI XUỐNG