Trẻ em là những chủ nhân tương lai, là nguồn nhân lực của mỗi quốc gia. Bởi vậy, quan tâm, chăm sóc trẻ em luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu trong chiến lược phát triển con người. Để có những công dân tốt, đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước, ngay từ nhỏ trẻ em phải được nuôi dưỡng, chăm sóc thật tốt để đảm bảo phát triển về sức khoẻ, trí tuệ, tình cảm và hành vi. Tuy nhiên thực tế cho thấy, vấn đề bảo vệ và chăm sóc trẻ em hiện nay còn nhiều bất cập, đặc biệt là tình trạng bạo hành, xâm hại và tai nạn thương tích ở trẻ em ngày càng gia tăng và trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.
Hiện nay có khoảng 3 triệu trẻ em từ 0-6 tuổi được chăm sóc tại các trường mầm non, chiếm 26% số trẻ em trong độ tuổi. Điều đáng quan tâm là trẻ em dưới 6 tuổi là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và dễ gặp rủi ro thương tích do trẻ lứa tuổi này thường thể hiện bản tính hiếu động trong khi các em vẫn còn non nớt cả về thể chất lẫn tinh thần, chưa có sự hiểu biết về kĩ năng sống, chưa có kinh nghiệm trong phòng ngừa các tai nạn, rủi ro. Chính vì thế khả năng tự bảo vệ mình ở lứa tuổi này còn bị hạn chế hơn so với các nhóm lứa tuổi khác.
Hội nghị thế giới về sự sống còn, bảo vệ và phát triển trẻ em, họp ngày 20-30/3/1990 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York đã tuyên bố: “Tất cả trẻ em trên thế giới đều trong trắng, dễ bị tổn thương và còn phụ thuộc. Đồng thời các em ham hiểu biết, ham hoạt động và đầy ước vọng. Tuổi của các em phải được sống trong vui tươi, thanh bình, được chơi, được học và phát triển. Tương lai của các em phải được hình thành trong sự hòa hợp và hợp tác”. Muốn được như vậy, chính ở trong môi trường nhà trường, trẻ em không chỉ được tiếp nhận tri thức mà còn phải được học cách hình thành các kỹ năng và năng lực sống cho bản thân.“Giáo dục các giá trị sống để có KNS ngày càng được nhìn nhận là có sức mạnh vượt lên khỏi lời răn dạy đạo đức chi tiết đến mức hạn chế trong cách nhìn hoặc những vấn đề thuộc về tư cách công dân. Nó đang xem là trung tâm của tất cả thành quả mà GV và nhà trường tâm huyết có thể hy vọng đạt được thông qua việc dạy về giá trị, KNS”.
Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ tám, Khóa XI, Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu rõ mục tiêu: “Đối với giáo dục mầm non, giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1”. Có thể nói, những định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng, sự cụ thể hóa của ngành giáo dục Việt Nam đã luôn bám sát thực tế của nền giáo dục toàn cầu trong các giai đoạn cụ thể. Theo tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thì 08 tuổi đã là qua trễ để giáo dục KNS. Vì đến độ tuổi này trẻ đã hình thành cho mình phần lớn các giá trị; trừ khi có sự thay đổi sâu sắc về trải nghiệm trong đời, nếu không thì khó mà lĩnh hội thêm giá trị sau độ tuổi này. Trẻ từ dưới 2 tuổi đã bắt đầu tiếp thu từ môi trường sống xung quanh, như giọng nói của người lớn khi trò chuyện với trẻ, cách thức tiếp xúc của trẻ...tất cả đều là tác động đến sự phát triển của trẻ. Vì vậy, việc giáo dục để hình thành và phát triển KNS cần được tiến hành từ bậc học mầm non, bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam để giúp trẻ phát triển hài hòa, toàn diện về nhân cách. Giúp các em hiểu những nội dung kiến thức và vận dụng được những KNS được cung cấp thành những hành động cụ thể trong quá trình sống và hoạt động thực tiễn, ứng phó trước nhiều tình huống mới nảy sinh, học cách giao tiếp, ứng xử với mọi người, giải quyết mâu thuẫn trong mối quan hệ và thể hiện bản thân một cách tích cực.
Việc giáo dục KNS cho trẻ ở giai đoạn lứa tuổi mầm non có vai trò quan trọng. Đặc biệt đối với trẻ ở lứa tuổi 5- 6 tuổi giai đoạn này chính là thời điểm bước ngoặt, là sự kiện quan trọng khiến các nhà giáo dục cần quan tâm, một mặt là để giúp trẻ hoàn thiện những thành tựu phát triển tâm lý trong suốt thời kỳ mẫu giáo, mặt khác là sự chuẩn bị tích cực cho trẻ đủ điều kiện để làm quen dần với hoạt động học tập và cuộc sống ở trường phổ thông, để trẻ bước vào lớp 1 với sự tự tin, thích nghi nhanh chóng với môi trường giáo dục mới thì việc chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý đến học tập ở trường tiểu học là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của giai đoạn giáo dục mẫu giáo nói chung và trẻ ở lứa tuổi 5 – 6 tuổi nói riêng. Trẻ bước vào trường học ngoài mặt tâm lý, vốn tri thức nhất định về thế giới xung quanh thì phải có các chuẩn mực hành vi đạo đức, kỹ năng cần thiết giúp trẻ nhanh chóng gia nhập vào tập thể lớp, tìm được vị trí của mình trong tập thể đó, có ý thức trách nhiệm trong các hoạt động. Chất lượng, hiệu quả giáo dục KNS cho trẻ em mầm non tùy thuộc vào nhiều yếu tố gia đình, nhà trường và xã hội. Đặc biệt phụ thuộc trực tiếp vào quản lý của các nhà quản lý trong nhà trường MN. Tăng cường thay đổivà người có trình độ quản lý đồng thời là nâng cao hiệu quả giáo dục KNS, hình thành được KNS phù hợp cho trẻ em trong các trường MN. Vì vậy nghiên cứu để đưa ra được các giải pháp quản lý phù hợp vì trong lĩnh vực quản lý giáo dục MN còn rất thiếu. Do vậy, việc giáo dục KNS và quản lý giáo dục KNS cho trẻ mầm non và đặc biệt với trẻ 5 - 6 tuổi có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu như hiệu quả của hoạt động giáo dục kỹ năng sống phụ thuộc trực tiếp vào người hướng dẫn - người dạy và người học thì việc quản lý nó chính là đường hướng, là kim chỉ nam để hoạt động giáo dục kỹ năng sống được phát triển và thực sự có ích. Vì vậy để hoạt động giáo dục kỹ năng sống mang lại hiệu quả, có chất lượng, đi đúng đường thì cần có một la bàn tốt - đó chính là chiến lược quản lý nó.
Thực tế hoạt động giáo dục kỹ năng sống ở bậc học MN tuy không còn quá mới mẻ nhưng nó vẫn chưa mang tính chính thống. Do đó mà việc dạy và học kỹ năng sống ở các trường mầm non mang tính tự phát, thậm chí còn có thể nói là mò mẫm bởi không có sự thống nhất từ cả nội dung đến phương pháp. Có thể nói đây là thời kì mà giáo dục kĩ năng sống đang tìm cho mình vị trí thích hợp trong nền giáo dục. Vì vậy, để có được hoạt động giáo dục kỹ năng sống không những bài bản, hiệu quả, chất lượng mà còn tạo được chỗ đứng trong hàng loạt các loại hình học tập thì những biện pháp và chiến lược quản lý hoạt động này là vô cùng quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Song công tác quản lý giáo dục kỹ năng sống cho trẻ 5-6 tuổi trong các trường MN nói chung và các trường mầm non tư thục nói riêng cũng còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, cụ thể là hoạt động quản lý chưa phát huy tính năng động, sáng tạo của giáo viên, chưa gắn kết được vai trò của các lực lượng giáo dục trong việc tổ chức quản lý hoạt động hình thành kĩ năng sống cho trẻ 5 - 6 tuổi, chưa chú trọng đến việc chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức hoạt động, phương pháp, nội dung hình thành kĩ năng sống cho trẻ 5 - 6 tuổi một cách hệ thống…
Tổng quan các nghiên cứu cấp độ tiến sỹ thuộc lĩnh vực quản lý giáo dục đã có nhiều công trình nghiên cứu về quản lý giáo dục đạo đức, quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, quản lý dạy học, quản lý giáo dục hướng nghiệp..., nhưng nghiên cứu về quản lý giáo dục kỹ năng sống còn rất ít được nghiên cứu và đặc biệt quản lý giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em trong trường MN nói chung và trẻ 5-6 tuổi nói riêng hầu như chưa được nghiên cứu đúng mức.
Xuất phát từ tính cấp thiết về mặt lý luận và thực của hoạt động giáo dục kỹ năng sống và quản lý hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho trẻ ở các trường MN nêu trên, đề tài: “Quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ 5-6 tuổi ở các trường mầm non tư thục” được lựa chọn để nghiên cứu tạo nên điểm mới của luận án và với mục đích nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em trong các trường mầm non.
Mục đích:
Xây dựng cơ sở lý luận, chỉ ra thực trạng quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ 5 – 6 tuổi ở các trường mầm non tư thục và các yếu tố ảnh hưởng tới quản lý hoạt động này trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ 5 -6 tuổi ở các trường mầm non tư thục nước ta hiện nay góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho trẻ 5 – 6 tại các trường mầm non tư thục.
Nhiệm vụ:
- Tổng quan các công trình nghiên cứu trong nước và thế giới về quản lý hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho trẻ mầm non.
- Xây dựng cơ sở lý luận về quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ 5-6 tuổi ở các trường mầm non.
- Khảo sát, phân tích và đánh giá thực trạng quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ 5-6 tuổi ở các trường mầm non tư thục.
- Đề xuất, khảo nghiệm và thực nghiệm một giải pháp quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ 5-6 tuổi ở các trường mầm non tư thục.
...
Link tải file đầy đủ: XEM VÀ TẢI XUỐNG